Thứ trưởng Tài chính: Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo
Lãnh đạo Bộ Tài chính và nhiều bộ ngành khác đã giải đáp các câu hỏi dư luận quan tâm tại họp báo của Văn phòng Chính phủ chiều 30/8.
-
Thủ tướng: 'Thủ tục bán gà còn lâu hơn nuôi gà' / BOT Pháp Vân chỉ sửa chữa nhưng thu phí như đường mới
-
Vào đầu cuộc họp báo, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai đã dành khoảng 20 phút, trình bày những điểm mới trong thay đổi chính sách thuế.
-
Theo bà, vừa qua Bộ Tài chính đã xin ý kiến rộng rãi về dự án Luật sửa đổi một số điều Luật thuế sửa năm luật (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...). Đây là dự án luật quan trọng, tác động rộng nên Bộ đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai. Ảnh: Võ Hải |
Trước ý kiến cho rằng, thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Mai khẳng định, Bộ Tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Chưa kể, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những người dân trong diện này.
Về tác động của tăng thuế VAT tới lạm phát, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá “là hạn chế”.
Bà Mai thông tin, thuế VAT có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm chịu thuế suất 5%. Với nhóm thu nhập thấp nhất dành 59,5% thu nhập chi mua lương thực, thực phẩm, giáo dục... thì những mặt hàng thiết yếu này không chịu thuế; chỉ mặt hàng lương thực, thực phẩm ở khâu thương mại bán ra chịu thuế suất thấp 5% và dự kiến tăng lên 6%.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, dự án luật có nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Đơn cử, trong sửa đổi thuế giá trị gia tăng, bổ sung quy định hàng hoá chịu thuế 5% nếu chưa khấu trừ sau 12 tháng thì được hoàn thuế; bỏ quy định xác định 51%...
Trước thông tin cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng “không chỉ điều chỉnh tăng thuế, còn phải xét ở khía cạnh chi tiêu ngân sách, làm sao cho tiết kiệm hiệu quả...”, Thứ trưởng Tài chính khẳng định, Chính phủ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để cơ cấu lại thu, chi ngân sách.
"H-Capita 500 mg không phải thuốc giả"
Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc ở VN Pharma.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay việc Công ty VN Pharma bị cơ quan điều tra xác định đã vi phạm pháp luật liên quan đến 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg là "rất đáng tiếc trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng đề án nâng cao, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân". Đề án này dự kiến báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 31/8.
Theo ông Dũng, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo vụ việc công ty VN Pharma, nhưng báo cáo chưa nêu được rõ những nội dung mà lãnh đạo Chính phủ quan tâm. Vì vậy, trong phiên họp hôm nay, lãnh đạo Chính phủ đã giao cơ quan chức năng tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, việc đăng ký thuốc của Bộ Y tế.
"Quan điểm của Thủ tướng là rất cương quyết, kiểm tra sự thật và không có vùng cấm", ông Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Võ Hải |
Trả lời câu hỏi "thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, các cơ quan chức năng đã có kết luận theo thẩm quyền về việc này. Xét về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả.
Về việc em chồng của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được cho là Phó giám đốc, phụ trách đầu tư của VN Pharma, vậy lâu nay Bộ trưởng có đề cập đến thông tin này hay không, ông Tiến cho biết Bộ trưởng "không nói chứ không phải nói không có". Hai việc này khác nhau. Ông cũng khẳng định Luật chỉ quy định bố, mẹ, chồng, con của Bộ trưởng không được làm lãnh đạo công ty dược, chứ không nhắc đến em chồng."Sẽ xử lý người làm mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh"
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Nội vụ đã trả lời câu hỏi xung quanh việc Bộ này thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015).
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: Võ Hải |
Theo ông Thăng, việc để mất hồ sơ sẽ được xử lý theo quy chế làm việc của Bộ. “Hiện chưa kết luận cụ thể cá nhân nào, nên cũng không thể nói ai làm. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, ai làm mất hồ sơ, ai phát ngôn vi phạm bí mật Nhà nước thì sẽ được xử lý theo quy định pháp luật”, ông Thăng nhấn mạnh.
Trước đó vào đầu tháng tám, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay thời điểm xảy ra sự việc nêu trên, cơ quan này nhận được hai bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. “Tuy nhiên hiện Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì thất lạc", ông Thừa nói.
Tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã... Ngày 31/7, cơ quan chức năng đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Sớm công bố kết luận thanh tra "biệt phủ" ở Yên Bái
Trước băn khoăn của báo chí về việc Thanh tra Chính phủ liên tục dời ngày công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý, mặc dù Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam có mặt tại họp báo, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là người trả lời.
Ông Dũng cho biết, Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiến hành thanh tra dù đã quá hạn kết luận. "Hiện trong quá trình hoàn thiện để kết luận, sẽ sớm công bố khối tài sản thế nào, sử dụng đất đai ra sao", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Toà quốc tế đang xem xét vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình
Ông Mai Tiến Dũng cũng đã trả lời câu hỏi về quan điểm của Chính phủ trước vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình – một người Hà Lan gốc Việt kiện đòi bồi thường 1,2 tỉ đô và đang được một toà án quốc tế xem xét
Theo ông, Chính phủ, Thủ tướng luôn nhất quán tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước.
"Theo các nguyên tắc về bảo hộ, khi có vấn đề tranh chấp vi phạm thoả thuận của một địa phương nào đó với nhà đầu tư nước ngoài thì họ không kiện địa phương mà kiện Chính phủ", ông Dũng nói và cho biết hiện Toà quốc tế đang xem xét nên "chúng ta cũng phải đợi thôi".
Ông Dũng nhấn mạnh hiện làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất tốt nhưng "chúng ta phải kiểm tra lại, xem xét việc ở chỗ nào đó, địa phương nào đó thực hiện không đúng quy định pháp luật, tạo ra những tranh chấp"; và Khi tranh chấp không giải quyết dứt điểm thì "họ kiện lên toà án quốc tế".